Xem thêm

Curry Shika: Nét đặc biệt của quán cà ri gia đình

Trên con đường Nguyễn Văn Tráng, Curry Shika lặng lẽ nằm trong một con hẻm cụt. Đây không phải là nơi bạn có thể tình cờ đi ngang qua khi lưu lạc trong Sài Gòn....

Trên con đường Nguyễn Văn Tráng, Curry Shika lặng lẽ nằm trong một con hẻm cụt. Đây không phải là nơi bạn có thể tình cờ đi ngang qua khi lưu lạc trong Sài Gòn. Cánh cửa gỗ của quán mở ra một không gian riêng biệt, tách biệt với thế giới bên ngoài. Với nội ngoại thất được lát gỗ tạo cảm giác như một ngôi nhà nhỏ giữa vùng núi ôn đới, Curry Shika chào đón lữ khách đến nghỉ chân. Ánh sáng vàng, những giai điệu jazz nhẹ nhàng, những đồ lưu niệm, những chiếc origami xếp, những bức ảnh gia đình, thực đơn và những lá thư viết tay, chiếc đồng hồ tự gấp hình Totoro, búp bê giấy - bạn sẽ không thể rời mắt khỏi sự phong phú trong trang trí của quán.

Ngay từ khi mở cửa, gia đình chủ quán đã ở đây: anh Shika, chủ quán người Nhật kiêm "bếp trưởng"; chị Yên, vợ anh; và hai đứa con của họ. Thiết kế của quán được lấy cảm hứng từ một tiệm bánh lâu đời gần nhà mẹ anh Shika ở Nhật, và quán Curry Shika cũng nhỏ nhắn và mộc mạc như vậy. Từ nhỏ, anh đã yêu mến tiệm bánh và đã tự hứa rằng, nếu có cơ hội mở quán của riêng mình, anh sẽ bày biện giống vậy. Nhiều kỷ vật, hình ảnh trên tường đến từ những chuyến đi chơi của gia đình và bạn bè, hay thậm chí là những "tác phẩm" thủ công của hai đứa trẻ. Chị Yên kể rằng, lúc Sài Gòn giãn cách và quán không dám thuê nhân công, hai đứa trẻ còn xắn tay giúp anh chị chạy bàn.

Thực đơn của quán chỉ tập trung vào cà ri, với giá từ 98.000 đến 249.000 đồng, tùy thuộc vào món ăn kèm. Mỗi suất trưa bao gồm một đĩa cà ri, chén dưa chua, chén salad trộn và cà phê đen hoặc trà chanh để giải khát. Đĩa cà ri được đặt trước mắt khách hàng, bên một nửa là cơm trắng và một nửa là sốt thịt nâu óng ánh. Bên trên là món ăn kèm - bạn có thể chọn trứng luộc, thịt heo, cá ngừ, thịt bò hoặc nắm "bít-tết" Hamburg (ハンバーグ) to bằng bàn tay.

Trước khi nhấn mạnh vào trải nghiệm cà ri tại Shika, hãy điểm qua một số sự kiện quan trọng trong lịch sử của cà ri Nhật từ khi nó chuyển từ đặc sản Ấn sang món quốc dân. Bột cà ri đã được đưa vào quần đảo Nhật Bản theo quân đội Anh Quốc vào thế kỷ 19. Ban đầu, người dân địa phương coi cà ri như một thứ đồ Tây lạ miệng, đắt đỏ, nhưng dần dà, họ đã quen với việc ăn cà ri và giá cả cũng mềm hơn sau khi các doanh nghiệp Nhật nắm bắt được thị hiếu và bắt đầu sản xuất cà ri gói trộn sẵn vào những năm 1920.

Sự phát triển đáng chú ý nhất trong lịch sử của cà ri Nhật xảy ra vào năm 1954, khi cà ri viên (カレールー) ra đời sau khi người Nhật áp dụng kỹ thuật làm roux từ người Pháp. Roux là một hỗn hợp bột mì trộn bơ thường được sử dụng để làm sánh các món nước. Quá trình nấu cà ri trở nên đơn giản hơn bao giờ hết vì người nội trợ chỉ cần mua viên cà ri và làm theo hướng dẫn sử dụng. Phát minh này đã đưa cà ri từ món ăn ngoại quốc trở thành một món ăn hàng ngày ở Nhật Bản. Cà ri Nhật có vị ngọt thanh, hương vị dịu nhẹ, đủ độ sánh sao cho sốt bao bọc được hạt cơm mà không làm bị bở cơm.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, sốt cà ri tại Shika có thể không phù hợp với khẩu vị của mọi người, đặc biệt đối với những người đã quen với vị ngọt trong cà ri Nhật thông thường trên thị trường. Trong quá trình thưởng thức cà ri tại đây, tôi đã thấy mỗi lần ghé thăm đều mang đến cho tôi những trải nghiệm khác nhau. Sốt cà ri có thể mặn hơn một chút, đậm đà hơn, hoặc gia vị rang cũng có thể mạnh mẽ hơn. Nhưng điều quan trọng là nguyên liệu vẫn đó, vẫn làm cho khẩu vị của người thưởng thức trở nên thích thú.

Với gia đình Shika, công thức nấu cà ri đơn giản nhưng cần thời gian và công sức. Mỗi phần công thức cà ri mất tới ba ngày để hoàn thành. Trong ngày thứ nhất, họ rang hơn 30 loại gia vị khác nhau cùng bột mì để tạo roux. Ngày thứ hai, rau củ được thái nhỏ và ninh chung với xương, và hành tây được hầm để tạo vị ngọt. Cuối cùng, tất cả các thành phần được trộn vào nhau để tạo thành sốt cà ri hoàn thiện. Quý khách có thể tìm hiểu thêm về quá trình này qua những "tài liệu" mà gia đình Shika vẽ trên bàn ăn.

Sau hai, ba năm chịu khó duy trì quán với niềm tin và tình cảm luyến lưu, cuối cùng quán cà ri đã xây dựng được một danh tiếng đáng kể. Quán đã có khách đến và quay lại sau sáu năm kể từ ngày mở cửa, và năm 2022 quán đã tròn 12 tuổi. Bí quyết để quán tồn tại lâu như vậy, theo anh Shika và chị Yên, là vì họ quyết không nhượng bộ cho ai khác trong việc điều hành quán cà ri của mình. Họ tận tâm với khách hàng và chăm sóc các khách quen. Thậm chí khi nhóm Saigoneer đến quán để thực hiện bài viết này, chị Yên đã đến từng bàn chào hỏi các khách quen như người bạn thân, và hai đứa trẻ luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Curry Shika không phải là nơi thích hợp để tụ tập trong những buổi trưa vội vã hoặc những dịp đặc biệt. Với tôi, quán Shika chỉ dành cho những khoảnh khắc thư thả - bữa tối ngồi tán gẫu với bạn thân, hay một cuộc hẹn chậm rãi với người mình thương. Đúng như tinh thần của một quán cà ri gia đình, Shika tạo ra một không gian thoải mái và ấm cúng.

Curry Shika mở cửa từ 11h sáng đến 3h chiều và từ 6h tối đến 9h tối hàng ngày, trừ thứ ba.

Đánh giá:

  • Hương vị: 4/5
  • Giá cả: 3.5/5
  • Không gian: 5/5
  • Độ thân thiện: 5/5
  • Địa điểm: 4/5 (Có chỗ để xe tại Bún Đậu Homemade)
1