Cẩm nang

Đơn kiện đòi lại đất: Tất cả những gì bạn cần biết

CEO Nhung Phương

Đơn kiện đòi lại đất là một vấn đề phức tạp và pháp lý, điều này đòi hỏi người kiện cần có kiến thức pháp lý phong phú để có thể bảo vệ quyền lợi...

Đơn kiện đòi lại đất là một vấn đề phức tạp và pháp lý, điều này đòi hỏi người kiện cần có kiến thức pháp lý phong phú để có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy đơn kiện đòi lại đất, trình tự giải quyết đơn kiện này quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

I. Đơn kiện đòi lại đất là gì?

Đơn kiện đòi lại đất là văn bản trình bày yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết về việc tranh chấp quyền sở hữu đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất cho đương sự.

II. Khi nào cần làm đơn kiện đòi lại đất?

Hiện nay, tranh chấp đất đai diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Một số trường hợp đòi lại đất như:

  • Đòi lại đất trước đây đưa vào Hợp tác xã nông nghiệp hay Tập đoàn sản xuất nông nghiệp, đã giao khoán cho các hộ khác sử dụng, khi Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất tan rã có tình trạng ruộng đất của ai, người đó lấy lại sử dụng, nhưng một bộ phận nông dân không lấy lại được ruộng đất vì người khác đang sử dụng hoặc chính quyền đã sử dụng vào mục đích khác.
  • Đòi lại đất khi Nhà nước thực hiện chính sách “nhường cơm, sẻ áo”; đất cho người khác thuê, mượn để sản xuất, làm nhà ở hoặc nhờ người trông coi trước năm 1987, nay những người này đang sử dụng.
  • Đòi lại đất chính quyền chế độ cũ lấy để sử dụng, sau giải phóng, Nhà nước tiếp quản hoặc giao cho người khác sử dụng.
  • Đòi lại đất có nhà ở khu vực đô thị trong quá trình cải tạo công thương nghiệp Nhà nước đã quản lý nhưng không làm đầy đủ thủ tục.
  • Đòi lại đất tôn giáo đã hiến, cho, cho mượn hoặc chính quyền đã sử dụng làm nhà trẻ, trường học, mẫu giáo, nhà văn hoá...
  • Đòi đất cũ khi chiến tranh biên giới xảy ra, người có đất đi sơ tán sau quay lại đã có người sử dụng hoặc Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng…

Có thể thấy khi có nhu cầu đòi lại đất hoặc cảm thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì người yêu cầu sẽ làm đơn kiện đòi lại đất.

Hình 1: Đơn kiện đòi lại đất được quy định như thế nào?

III. Nội dung và hướng dẫn cách viết đơn kiện đòi lại đất

Căn cứ khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Để có thể viết đơn kiện đòi lại đất đúng và chính xác thì bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Cần chú ý các nội dung, viết đúng, đủ các nội dung chính theo đúng quy định của luật;
  • Cần phải ghi một cách chi tiết, rõ ràng, chính xác các thông tin về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc khởi kiện đòi lại đất đai để tòa án có thể tiến hành giải quyết một cách chính xác, triệt để;
  • Xác định chính xác các nội dung tranh chấp và những yêu cầu mà nguyên đơn mong muốn tòa án giải quyết liên quan đến việc đòi lại đất đai;
  • Khi trình bày nội dung khởi kiện thì cần phải ghi rõ nguồn gốc, nguyên do phát sinh tranh chấp, thực trạng, hậu quả, những chứng cứ liên quan có kèm theo để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm. Từ việc ghi rõ nội dung tranh chấp trong đơn khởi kiện sẽ là căn cứ rõ ràng để tòa án chấp nhận đơn khởi kiện, thụ lý và tiến hành giải quyết. Tránh trình bày một cách chung chung dẫn đến tòa án yêu cầu bổ sung sửa đổi đơn khởi kiện gây mất thời gian.
  • Việc ký đơn khởi kiện nên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự quy định đối với người viết đơn hoặc người viết đơn là đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức.

IV. Quy định về đơn kiện đòi lại đất

Đơn kiện đòi lại đất thực chất chính là đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.
  • Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
  • Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
  • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
  • Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
  • Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
  • Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định, có thể tham khảo tại mục III bài viết này.
  • Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

V. Trình tự giải quyết đơn kiện đòi lại đất

Giải quyết đơn kiện đòi lại đất được hiểu là giải quyết tranh chấp đất đai. Theo quy định của pháp luật đối với vấn đề tranh chấp đất đai thì trước khi giải quyết đơn kiện tại Tòa án, tranh chấp đất đai phải được thực hiện hòa giải, hòa giải không thành thì mới khởi kiện tại Tòa, cụ thể quy trình giải quyết như sau:

Hình 2: Quy trình giải quyết đơn kiện đòi lại đất

Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai

Các bên thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai theo Điều 202 Luật Đất đai 2013. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Trường hợp hòa giải không thành thì có thể khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu.
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
  • Biên bản hòa giải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
  • Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
  • Sổ hộ khẩu.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có thể nộp theo 1 trong 3 hình thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án.
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 4: Thụ lý và giải quyết đơn kiện đòi lại đất đai

  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì được yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
  • Nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ thì Tòa thụ lý đơn và thông báo làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

VI. Giải đáp các thắc mắc về đơn kiện đòi lại đất

1. Thời hiệu khởi kiện đối với việc khởi kiện đòi lại đất là bao lâu?

Thời hiệu khởi kiện không được áp dụng cho tranh chấp về quyền sử dụng đất dựa theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Thẩm quyền giải quyết đơn kiện đòi lại đất là của chủ thể nào?

Theo quy định của pháp luật, toà án cấp huyện nơi có đất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Điều này được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Muốn đòi lại đất khi cho người thân trong gia đình mượn ở tạm có được không?

Theo Điều 167 Luật Đất đai 2013, cho người thân mượn đất ở tạm vẫn có thể đòi lại được.

4. Trường hợp rút đơn kiện đòi lại đất thì có được tòa án trả lại tiền tạm ứng án phí không?

Theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, rút đơn kiện đòi lại đất thì được tòa án trả lại tiền tạm ứng án phí.

VII. Tại sao nên tìm luật sư tư vấn về đơn kiện đòi lại đất

Để tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai, đặc biệt là kiện đòi lại đất cần có sự am hiểu về pháp luật và kinh nghiệm phong phú. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty luật uy tín, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, tận tâm và nhiệt tình sẽ giúp bạn đưa ra cách giải quyết tốt nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Đừng ngần ngại liên hệ với NPLAW ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí!

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

  • Hotline: 0913449968
  • Email: legal@nplaw.vn
1