Xem thêm

Khiếu nại đất đai theo quy định pháp luật

Khi phát sinh những vấn đề liên quan đến đất đai mà tổ chức, cá nhân có chứng cứ cho rằng việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền không phù hợp hoặc vi...

Khi phát sinh những vấn đề liên quan đến đất đai mà tổ chức, cá nhân có chứng cứ cho rằng việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền không phù hợp hoặc vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể khiếu nại đất đai. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất, người dân phải hiểu khiếu nại đất đai là gì và điều kiện làm đơn khiếu nại đất đai thế nào? Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này.

I. Đơn khiếu nại đất đai là gì?

Khiếu nại đất đai là từ ngữ được sử dụng phổ biến, tuy nhiên pháp luật không quy định thế nào là khiếu nại đất đai.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, qua khái niệm trên, ta có thể hiểu rằng khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

II. Điều kiện khiếu nại đất đai

Để thực hiện quyền khiếu nại đất đai, phải có đủ điều kiện sau:

  • Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

  • Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình.

  • Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

  • Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.

  • Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Khi khiếu nại lần hai thì cần phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan có thẩm quyền.

III. Nội dung đơn khiếu nại đất đai

Theo quy định tại khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 thì “Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”.

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại bằng một trong hai hình thức: Đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn, trong đơn khiếu nại phải ghi rõ những nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm khiếu nại;

  • Tên, địa chỉ của người khiếu nại;

  • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

  • Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại;

  • Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

IV. Trình tự giải quyết đơn khiếu nại đất đai

Theo quy định tại khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Như vậy, trình tự giải quyết đơn khiếu nại đất đai được thực hiện như sau:

4.1. Trình tự giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu

Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

  • Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

  • Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền tiếp nhận đơn.

Bước 2. Thụ lý giải quyết khiếu nại

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết.

  • Trường hợp không thụ lý để giải quyết, nêu rõ lý do.

Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:

  • Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp. Nếu khiếu nại đúng, thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

  • Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời.

Bước 4. Tổ chức đối thoại

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

  • Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

  • Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.

  • Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

  • Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
  • Người khiếu nại;

  • Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;

  • Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Cơ sở pháp lý: Điều 27, khoản 1, 2 Điều 29, 30, 31, 32 Luật Khiếu nại 2011.

4.2. Trình tự giải quyết khiếu nại lần hai

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trường hợp khiếu nại lần hai, thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Cơ sở pháp lý: Điều 33 Luật Khiếu nại 2011.

V. Giải đáp các thắc mắc về đơn khiếu nại đất đai

1. Thời hạn giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu bao lâu?

Theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại 2011, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 và quy định trên thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

2. Có nên dùng các mẫu đơn khiếu nại đất đai tải trên mạng không? Tại sao?

Hiện nay, với sự phát triển của mạng internet, tất cả thông tin đều có thể tìm kiếm. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp, chúng ta nên tham khảo thông tin. Điển hình là việc không nên sử dụng mẫu đơn khiếu nại đất đai tải trên mạng, bởi vì:

  • Thường những đơn khiếu nại trên mạng chỉ nêu những trường hợp chung chung, mang tính chất tham khảo.

  • Không đầy đủ thông tin và sự việc mà mình muốn yêu cầu.

  • Có thể sai thể thức, khi sử dụng thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối.

Chúng ta không nên sử dụng các mẫu đơn khiếu nại đất đai trên mạng. Thay vào đó, nên tìm đến sự giúp đỡ của dịch vụ pháp lý để được tư vấn và soạn thảo đơn khiếu nại đất đai.

3. Ngoài đơn khiếu nại đất đai, khi khiếu nại cần các loại giấy tờ nào nữa?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Khiếu nại 2011, việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Vì vậy, ngoài đơn khiếu nại đất đai, cần có các loại giấy tờ sau:

  • Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại.

  • Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.

  • Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có).

  • Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có).

  • Quyết định giải quyết khiếu nại.

  • Các tài liệu khác có liên quan.

VI. Tại sao nên tìm luật sư tư vấn và soạn thảo đơn khiếu nại đất đai?

Không phải tất cả mọi người đều nắm rõ hoặc có kiến thức pháp luật, đặc biệt về những quy định pháp luật liên quan đến đất đai. Vì vậy, khi cá nhân, tổ chức muốn soạn thảo đơn khiếu nại đất đai, nên tìm đến sự giúp đỡ của Luật sư để được tư vấn và tìm ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.

Luật sư có đủ chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của NP LAW về đơn khiếu nại đất đai muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con, quý khách vui lòng liên hệ với NP LAW để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú

Hotline: 0913449968

Email: [email protected]

1