Cẩm nang

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai là gì?

CEO Nhung Phương

Hình 1. Luật Thịnh Trí - Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai là gì? THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI LÀ GÌ? Thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp đất đai...

Hình 1. Luật Thịnh Trí - Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai là gì?

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI LÀ GÌ?

Thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp đất đai là một vấn đề quan trọng mà hầu hết các chủ thể đều quan tâm. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, việc hiểu rõ quy định về thời hiệu khởi kiện trong từng trường hợp tranh chấp đất đai là cần thiết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về thời hiệu khởi kiện cho các trường hợp tranh chấp đất đai.

1. Khái niệm tranh chấp đất đai:

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Có nhiều dạng tranh chấp đất đai khác nhau nhưng điển hình là tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp về ranh giới của các thửa đất liền kề."

2. Tranh chấp đất đai trong trường hợp nào không áp dụng thời hiệu khởi kiện?

Trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất năm 2013 (Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012), thì thời hiệu khởi kiện sẽ không được áp dụng (căn cứ tại Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều này có nghĩa là trong các tranh chấp về quyền sử dụng đất, người có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp có thể nộp đơn vào bất kỳ thời điểm nào mà quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm, mà không cần quan tâm đến thời hiệu khởi kiện.

3. Thời hiệu khởi kiện của tranh chấp liên quan đến đất đai khác:

Theo quy định tại Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012, thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp đất đai sẽ tuân theo quy định của văn bản pháp luật có liên quan.

  • Đối với các tranh chấp dân sự phát sinh từ các giao dịch dân sự như hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (căn cứ Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015).

  • Đối với các tranh chấp đất đai là di sản thừa kế, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế hoặc yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015).

4. Thời hiệu khởi kiện được bắt đầu như thế nào?

Hình 2. Luật Thịnh Trí - Thời hiệu khởi kiện được bắt đầu như thế nào?

Thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự (bao gồm cả tranh chấp đất đai) được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật hiện hành có quy định khác. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật hiện hành có quy định khác.

5. Thời gian pháp luật không tính vào thời hiệu khởi kiện:

Trong vụ án dân sự, thời gian pháp luật không được tính vào thời hiệu khởi kiện, và thời hiệu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc dân sự được xem như đã xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, có quyền yêu cầu nhưng không thể khởi kiện, không thể yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được, không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền và nghĩa vụ dân sự không biết về việc quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm hoặc người đó không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của mình.

  • Thứ hai, chưa có người đại diện cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, người không làm chủ được hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp như người đại diện đã chết nếu là cá nhân hoặc chấm dứt sự tồn tại nếu là pháp nhân, người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục làm người đại diện được.

6. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào?

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại trong các trường hợp sau:

  • Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người có quyền khởi kiện.

  • Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận hoặc đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

  • Các bên liên quan đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu để khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại được tính từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các trường hợp kể trên.

Bài viết này đã trình bày về thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai. Hy vọng thông tin này sẽ hữu ích cho quý độc giả.

Để biết thêm chi tiết về thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai, vui lòng liên hệ tổng đài chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ "Đúng cam kết, trọn niềm tin" Hotline: 1800 6365

1