Vinhsơn Trần Ngọc Thụ
I. Thân thế
Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 07-08-1868 tại Gò Công. Thân phụ ngài là Giacôbê Nguyễn Gia Tuần, thân mẫu là Madalêna Nguyễn Thị Châu. Cụ Giacôbê Tuần trước cũng đi tu, được Giáo phận Sài Gòn gửi đi du học Đại Chủng viện Penang, do Hội Thừa Sai Ba Lê phụ trách, nhưng đã chuyển hướng, trở về Việt Nam làm thầy giảng giúp giáo phận một thời gian; sau đó, thi vào ngạch thông ngôn ở tỉnh lỵ Gò Công, rồi Trà Vinh. Cậu Nguyễn Bá Tòng đi theo cha, lúc mới 10 tuổi nhập trường Tiểu học Trà Vinh. Sau đó cậu vào trường Adran (Collège d´Adran của Hội Dòng Sư Huynh Các Trường Công giáo, Frères des Ecoles Chrétiens). Năm 1882, các sư huynh đóng cửa trường và về Pháp. Lúc đó, cậu Nguyễn Bá Tòng đã học qua 10 năm trực tiếp với các sư huynh người Pháp, nên xử dụng Pháp văn thành thạo.
Khi đang theo học tại trường Adran, cậu Nguyễn Bá Tòng được linh mục tuyên úy người Pháp, Cha Dépierre, cũng là giáo sư chủng viện, để ý hướng dẫn. Năm 1883, khi 15 tuổi, cậu vào tu tại Tiểu Chủng viện Sài Gòn. Hồi đó, Linh mục Thiriet làm giám đốc, người đã đào tạo hầu hết các linh mục giáo phận từ 20 năm. Ngày 19-09-1896, thầy Nguyễn Bá Tòng, 28 tuổi, được chính Đức Cha Dépierre, giám mục Sài Gòn từ 1895 truyền chức linh mục và đặt làm thư ký tòa giám mục. Ngài tiếp tục chức vụ này cả thời Đức Cha Mossard. Ngày 02-09-1917, vì đau yếu, ngài được bổ làm chính xứ Bà Rịa, với hy vọng sức khỏe mau hồi phục tại vùng ven biển. Tháng 9 năm 1926, sau khi sức khỏe hồi phục, ngài được bổ làm chính xứ Tân Định, một xứ lớn giữa Sài Gòn. Ngài hay được mời đi giảng thuyết tại các tuần tĩnh tâm hay đại phúc, thường là trong Giáo phận Sài Gòn. Ngài sáng tác kịch Thương Khó Chúa Giêsu và cho trình diễn vào năm 1913, nhân dịp mừng 50 năm thành lập Chủng viện Thánh Giuse của Giáo phận Sài Gòn và năm 1926 tại Bà Rịa và Tân Định. Tiếng tăm ngài vượt ra ngoài giáo phận. Năm 1928 Đức Cha Grangeon mời ngài ra giảng tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ Quy Nhơn. Các bài giảng được đăng lại trong tờ Mémorial của giáo phận trong nhiều tháng liên tiếp. Hai Đức Cha Gendreau Đông và Marcou Thành cũng mời Cha Tòng ra Bắc giảng tĩnh tâm cho các linh mục Hà Nội (1931) và Phát Diệm (ngày 15-22 tháng 12 năm 1931).
Hai Đức Cha Hà Nội và Phát Diệm mời Cha Tòng hồi đó để hàng giáo sĩ của hai giáo phận không ngỡ ngàng, khi năm 1933 nghe tin Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục người Việt tiên khởi.
Quyết nghị bổ nhiệm Cha Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó Phát Diệm với quyền kế vị được gửi tới Phát Diệm và Sài Gòn, vì lúc đó Cha Nguyễn Bá Tòng đang là cha chính giáo xứ Tân Định thuộc Giáo phận Sài Gòn. Ngày hôm sau, Đức Hồng y Carolo Salotti còn gửi một thư khác cho vị giám mục người Việt tiên khởi báo tin chính Đức Giáo hoàng Piô XI ngỏ ý sẽ đích thân truyền chức giám mục cho ngài vào Chúa nhật ngày 11-6-1933 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhằm ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Cùng được tấn phong giám mục hôm đó còn có 4 giám mục khác: 3 vị người Trung Hoa và 1 vị người Ấn Độ.
II. Giám mục Tiên khởi Việt Nam
1/ Lễ tấn phong giám mục
Vì tin vui này và vì Giáo phận Phát Diệm ở mãi tận miền Bắc xa xôi, nên Cha Nguyễn Bá Tòng quyết định đi Roma lãnh chức giám mục, rồi mới về Phát Diệm. Ngài lấy khẩu hiệu "Hãy châm rễ sâu trong dân ta". Khẩu hiệu ám chỉ tất cả hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong giáo phận mới, xin cho họ được châm rễ sâu, tức là kiên trì trong đức tin qua suốt cuộc đời. Tại Sài Gòn Đức Cha Mossard Mão gửi thư luân lưu cho toàn giáo phận, chỉ thị trong suốt tháng 5: Các linh mục khi dâng lễ, phải thêm lời cầu Chúa Thánh Thần ban ơn riêng cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Các tu sĩ và giáo dân sốt sáng rước lễ ít là 1 lần với ý cầu nguyện cho Đức Cha mới. Ngày 11-06-1933, lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cũng là ngày Đức Thánh Cha sẽ truyền chức giám mục cho Cha Nguyễn Bá Tòng, thì vào đầu giờ lễ ban sáng sẽ hát kinh Veni Creator (Xin Chúa Thánh Thần ngự đến) và ban chiều, trong giờ chầu Mình Thánh Chúa, thì hát kinh Te Deum (Cảm tạ Chúa) để hợp thông với lời ca Te Deum tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được hát lên sau nghi thức truyền chức giám mục.
Đức Giám mục Sài Gòn viết trong thư luân lưu: ngày 11-06-1933 là ngày vui mừng cho Giáo phận Sài Gòn cũng như các giáo phận tại Đông Dương, đặc biệt cho Giáo phận Phát Diệm. Trong thư, Đức Giám mục Sài Gòn còn trấn an vị tân giám mục hãy "an lòng, không có điều gì đáng lo ngại" vì chính quyền Pháp - Việt cũng như giáo quyền và các chức sắc ngoài Ninh Bình, Phát Diệm "đều lấy làm vui mừng… không một lời dị nghị" đối với vị tân giám mục Việt nam.
2/ Hành trình Âu Châu
Ngày 01-05-1933 Cha Nguyễn Bá Tòng và Cha Phaolô Vàng, bí thư toà giám mục, đáp tầu đi Pháp. Ra tiễn chân 2 vị có 20 linh mục Việt-Pháp từ Giáo phận Sài Gòn. Phát Diệm cử Linh mục Luca Đinh Ngọc San và 1 thầy giảng đại diện. Ngoài ra có đông đảo ban chấp hành giáo xứ Tân Định và các giáo xứ lân cận và rất nhiều giáo dân, bạn hữu.
Vị giám mục tân cử mang theo hành lý 2 món quà: món thứ nhất là một bức chân dung bán thân Đức Thánh Cha Piô XI khảm ốc xà cừ, cao 8 tấc, ngang 5 tấc, với lời đề tặng "Sanctissimo D.N. Pio Gratias", ký tên "Gioan Baotixita Tòng, Episcopus primus Annamiticus" kèm theo hình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm và hình bán thân Đức Cha Tòng. Món quà thứ hai là tấm chân dung Đức Giám mục De Guébriant, bề trên cả Hội Thừa Sai Ba Lê, được thêu bằng tay, cũng kèm theo hình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Cả hai bức ảnh lộng trong khung khảm xà cừ tuyệt đẹp.
Tầu khởi hành từ Sài Gòn, ghé Singapore, Colombo, Djibuti, Suez, Fort Said, vượt Địa Trung Hải, tới Marseille. Tại mỗi hải cảng có sở quản lý của Hội Thừa Sai Ba Lê hay tòa giám mục đã được thông báo, nên cử người đón tiếp 2 vị khách Việt rất nồng hậu. Tại Marseille 2 vị viếng phần mộ Đức Cha Lefèvre và mấy vị thừa sai đã từng hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt viếng mộ Cha Adrien Launay, nhà viết sử thời danh của Hội Thừa Sai, tuy ngài không tới Việt Nam, nhưng nhờ công ghi chép của ngài chúng ta còn có tiểu sử của các vị tử đạo tại Việt Nam. Sau Marseille, 2 vị khách Việt trẩy Paris. Dọc đường, các ngài ghé Lyon, Valence, Dijon…để thăm một số linh mục, tu sĩ Pháp đã từng hoạt động tại Việt Nam. Tại Paris, các ngài tới thăm Đức Giám mục De Guébriant, đương kim bề trên Hội Thừa Sai Ba Lê, thăm Đức ông Boucher, Giám đốc Hội Truyền Giáo (Propagation de la Foi) tại Paris, Đức ông Olichon, Giám đốc Hội Thánh Phêrô Tông đồ (Oevre de Saint Pierre Apôtre) tại Pháp (Đức Ông Olichon chính là người đã viết cuốn Le Père Six, Baron de Phát Diệm, Cha Trần Lục, Bá tước Phát Diệm, ghi lại tiểu sử và sự nghiệp Cụ Lớn Khâm để lại cho Phát Diệm). Đức ông Olichon đã hướng dẫn 2 vị khách tham quan Paris.
3/ Tới Roma
Ngày 05-06-1933, tại nhà ga trung ương Termini, Đức Giám mục tiên khởi Việt Nam được Đức Tổng Giám mục Zanini, đại diện Bộ Truyền Giáo, Đức ông Dini, Giám đốc Trường Truyền Giáo và một số tu sĩ Việt Nam đang tu học tại đây đón tiếp nồng nhiệt và đưa về nghỉ tại trụ sở của Hội Thừa Sai Ba Lê tại Roma.
Cảnh quan và tinh thần Roma lúc đó đang hân hoan tưng bừng, vì vào Chủ nhật lễ Chúa Giêsu Lên Trời trước đó, Đức Piô XI mới phong chân phước cho nữ tu Catarina Labouré, Dòng Nữ Tử Bác Ái Ba Lê; đồng thời, đang chuẩn bị lễ tuyên thánh cho Linh mục Fournet, vị sáng lập Hội Dòng Chị Em Thánh Giá (Filles de la Croix) tại Poitiers vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tiếp đến là lễ truyền chức giám mục cho 5 linh mục Á Châu ngày 11-06-1933.
Cha Phaolô Vàng đã ghi lại: "Không thể nào thuật lại cho đúng sự thực… Phải đến dự lễ thì mới hiểu được". Từ sáng sớm đã có xe tới trụ sở Hội Thừa Sai đón Cha Nguyễn Bá Tòng đưa tới phòng Clementia tại Vatican để mặc phẩm phục và nhập đoàn với 18 hồng y tại phòng Consistoire, rồi tiến sang Nhà Nguyện Sixtina tháp tùng Đức Giáo hoàng tới Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Đoàn kiệu tiến ra từ nhà nguyện Sixtina, qua cửa Regia, xuống 100 bậc đá, giữa hàng dàn chào của 400 sinh viên tu sĩ, Đức Giáo hoàng giơ tay ban phép lành cho dân chúng trên đường tiến vào vương cung thánh đường, và tới bàn thờ hành lễ. Ca đoàn nhà nguyện Sixtina đảm trách phần thánh nhạc. Cha Vàng dành 4 trang dài ca ngợi tài nghệ tuyệt vời của ca đoàn gồm chừng 60 ca viên ở lứa tuổi 9-10 tới 50.
Ngoài Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Đức Giáo hoàng còn truyền chức giám mục cho 4 vị khác nữa.
- Đức Cha Giuse Attipety, Dòng Carmel, Tổng Giám mục phó Giáo phận Verapoly, Ấn Độ.
- Đức Cha Giuse Fan, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Tsining, Mông Cổ.
- Đức Cha Giuse Ts´oei, Dòng Tên, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Yungnier.
- Đức Cha Matthêô Lý, Trung Hoa, Giám mục Giáo phận Yachow.
Hai vị phụ phong là Đức Tổng Giám mục Salotti, Thư ký Bộ Truyền Giáo, và Đức Tổng Giám mục Celso Costantini, Khâm sứ Tòa thánh tại Trung Hoa.
Lễ nghi truyền chức giám mục là một lễ nghi long trọng trong Giáo hội Công giáo Roma. Sau Thánh lễ, các tân giám mục ban phép lành cho giáo dân. Đến lượt vị Giám mục Việt Nam, đúng lúc thánh đường im lặng, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng xướng câu ca bằng La ngữ với giọng rung rung, dõng dạc, hùng mạnh khiến mọi người trong thánh đường ngỡ ngàng, cả Đức Giáo hoàng cũng quay mắt sang để nhìn.
Không lạ gì, vì Đức Giám mục Việt Nam là một nhà hùng biện thời danh, có giọng thanh thoát, rõ rệt. Khi thuyết giảng, ngài thường mạnh dạn, lưu loát trong tiếng Việt cũng như tiếng Pháp.
Ở Roma, mọi việc đã được xếp đặt, chuẩn bị chu đáo. Sau lễ thụ phong, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đi thăm một số cơ quan và nhân vật để trình diện và và cám ơn. Ngài cũng đi thăm mấy Học viện Giáo hoàng, nơi có sinh viên tu sĩ Việt Nam tòng học.
Rời Roma, ngài trở lại Pháp. Tới Lyon, ngài được đón tiếp tại nhà thờ chính tòa. Ngài tới thăm Đức Cha De Guébriant, bề trên Hội Thừa Sai Ba Lê và các cơ quan truyền giáo.
Sau đó, ngài đi Paris và được Đức Hồng y Verdier, Tổng Giám mục thủ đô nước Pháp mời chủ sự chầu Thánh Thể và thuyết giảng tại Nhà thờ Chính tòa (02-07-1933). Báo chí tường thuật, phê bình rất tích cực tài hùng biện bằng tiếng Pháp của Đức Cha. Trên các bức tường trong thành phố, người ta dán la liệt.